Gần như duy nhất trong nghệ thuật ẩm thực Việt, phở có thể dùng vào mọi lúc trong ngày, mọi mùa trong năm. Có lẽ không một món ăn Việt nào có không gian ẩm thực rộng như phở – quả xứng danh món ăn phi thời gian.
Món ăn này kỳ lạ ở sự bình đẳng dành cho tất cả hạng người: từ người nghèo, công chức, quan chức, người bình dân cho đến chính khách (gia đình tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton lựa chọn phở trong thực đơn khi đến thăm Việt Nam hồi năm 2000), không ai vì ăn phở mà sang lên cũng chẳng kẻ nào vì thế mà hèn đi. Già trẻ lớn bé, gái trai gì cũng đều thích.
“… Kẻ phú quý cho chí người bần tiện
Hỏi ai là đã nếm chẳng ưa
Thầy thông, thầy phán đi sớm về trưa
Điểm tâm phở ngon ơ và chắc dạ
Cánh thợ thuyền làm ăn vất vả
Phở xơi no cũng đỡ nhọc nhằn
Khách làng thơ đêm thức viết văn
Được bát phở bớt băn khoăn óc bí
Bọn đào kép con nhà ca kỹ
Lấy phở làm đầu vị giải lao
Chúng chị em sớm mận, tối đào
Nhờ có phở đỡ hao mòn nhan sắc …”
(Tú Mỡ, 1937)
Nhà văn Nguyễn Tuân, tác giả “Vang bóng một thời” đã có một tùy bút xuất sắc về phở. Ông cho phở có một “tâm hồn”, phở là “một miếng ăn kỳ diệu của tất cả người Việt Nam chân chính”, là “món quà cổ điển rất tính chất dân tộc” phù hợp với các tầng lớp nhân dân, có thể ăn bất cứ giờ nào, mùa nào.
Thi sĩ lừng danh thế kỷ 20 – Tú Mỡ – yêu phở đến nỗi làm hẳn một bài “phú phở” gói ghém toàn bộ tinh hoa về phở trong 39 câu, để rồi thốt lên:
“Trong các món quân tử vị
Phở là quà đáng quý trên đời…
Sống trên đời, phở không ăn cũng dại
Lúc buông tay, ắt phải cúng kèm
Ai ơi nếm thử kẻo thèm! (Tú Mỡ – 1937)
